Thị trấn Phó Bảng - Đồng Văn - Hà Giang như thế nào?

Chia sẻ bài viết này lên Facebook, chắc chắn mọi người sẽ thích
Thị trấn Phó Bảng - Đồng Văn - Hà Giang là một trong những địa chỉ mà các bạn đi phượt Hà Giang thường thích vào để thêm một lần trải nghiệm các địa danh du lịch ở đây. Vậy Phó Bảng nằm ở đâu, đi như thế nào và có gì?

Như daisudulich.vn đã giới thiệu, ở khu vực Đồng Văn - Mèo Vạc - Hà Giang có rất nhiều địa chỉ để tham quan, như dinh thự nhà họ Vương (còn gọi vua Mèo), đèo Mã Pí Lèng - con đường Hạnh Phúc, cột cờ Lũng Cú rồi núi đôi Cô Tiên ở Quản Bạ… Hầu như các địa chỉ mà mình nêu ra thì khách du lịch khi lên Hà Giang đều sẽ lui tới. Nhưng có một nơi có thể ít ai lai vãng, đó là “thị trấn lãng quên” mang tên Phó Bảng.

Phó Bảng ở đâu?


Trên địa bàn huyện Đồng Văn có 2 thị trấn là thị trấn Đồng Văn và thị trấn Phó Bảng- còn được gọi là Phố Bảng- nơi sống của chừng 500 người Hoa và Mông xen lẫn nhau.

Phó Bảng nằm cách TP Hà Giang 117km. Từ thị trấn Yên Minh lên là 17km, băng qua những con dốc quanh co uốn lượn với những vạt hoa tam giác mạch, hoa cúc vạn thọ vươn mình nằm dọc theo hai bên đường 4C, dưới chân những ngọn đồi vách núi đầy đá tai mèo nhọn hoắt sẽ gặp một ngã ba nho nhỏ (trước cửa ngỏ của thung lũng Sủng Là) rẽ trái là vào Phó Bảng...

Thông thường, khách đi du lịch Hà Giang sẽ chạy một mạch từ Quản Bạ-Yên Minh lên Sủng Là-Lũng Cú-Đồng Văn nên không có times rẽ vào Phó Bảng. Vì từ ngoài đường đi vào cũng chừng 5km nữa mà lại trái tuyến.

Do nằm khuất nẻo, không tiện đường đi như thế, nên có rất ít du khách đặt được chân vào Phó Bảng. Và cũng chính bởi lẽ đó mà từ rất nhiều năm nay, người ta bảo rằng, Phó Bảng là một thị trấn bỏ quên, ngủ quên- cũng thật đúng thôi.

Phó Bảng là một xã biên giới nhưng ở phía dưới so với cột cờ Lũng Cú và thị trấn Đồng Văn. Tuy nhiên, nó lại có độ cao hơn rất nhiều- nên nhớ thị trấn Đồng Văn là một thung lũng, nơi các nguồn nước chảy về- có lẽ vì vậy mà dân quần cư đông đúc từ xưa.

Còn Phố Bảng ở độ cao hơn và thường lạnh hơn. Mùa đông, ở đây và cột cờ Lũng Cú thường có tuyết không kém gì Sa Pa và Mẫu Sơn. Từ ngã ba Sủng Là đi vào Phó Bảng sẽ qua một con đèo hút mây và nhiều khi có sương mù dày đặc vào mùa đông.

Từ Phố Bảng đi sâu vào trong nữa là Phố Là. Con đường cứ đi sâu và vắng lặng, làm cho các bạn có cảm giác như mình đang đi lạc ở một xứ sở nào, như ở sâu thẳm trong phiêng rừng già…

Daisudulich.vn đã vài lần lai vãng vào Phố Bảng để săn hoa rồi. Gọi là “thị trấn” nhưng đó chỉ như là một ngôi làng với những ngôi nhà trình trường tường bằng đất hiện lên trước mặt. Màu tường phủ rêu muốn nói với bạn về màu thời gian bàng bạc ở đây. Trước đây, Phố Bảng còn hoang sơ và cổ kính nữa. Nhưng bây giờ cũng dần bị hiện đại hóa rồi. Chỉ còn một góc "phố" nằm sau chợ là còn bản sắc. Có thể, khi vào các bạn sẽ không đủ thích thú nữa, nhưng cũng săn được vài kiểu ảnh về một góc sống của người Hoa nơi biên giới.

Note: 

> Từ chợ Phố Bảng, chỉ đi khoảng 3km là ra cửa khẩu Phó Bảng để ngó sang bên kia là TQ.

> Ở Phó Bảng, cứ 6 ngày một lần, sẽ có một phiên chợ lùi diễn ra vào buổi sáng đến trưa.

> Đây còn được mệnh danh là thung lũng hoa hồng và đang trồng nhiều hoa hồng.


Mình cũng chỉ biết nói như vậy thôi, mình đã vào Phó Bảng vài lần, nhưng thực sự nó cũng không để lại nhiều ấn tượng cho mình lắm. Tuy nhiên, khi đọc các bài viết mình sưu tầm được trên mạng thì họ viết và cảm nhận như thế này- thôi mình cứ Post lại để mọi người tham khảo:

Phó Bảng có gì và như thế nào?


Vẻ đẹp của Phó Bảng là những ngôi nhà rêu phong cũ kỹ như một miền cổ tích. Bước vào Phó Bảng, chúng ta có cảm giác như mình đang lạc vào một trường quay lớn của một bộ phim cổ xưa.

“Chúng tôi đến Phó Bảng vào buổi xế chiều nắng nhẹ. Phó Bảng là một thị trấn bé xíu nằm trên cung đường từ Hà Giang đến Đồng Văn. Nó nhỏ tới mức... chưa đi đã hết, thị trấn chỉ một con đường xuyên từ đường lộ vào & 2 bên san sát những ngôi nhà với những mái ngói rêu phong, tường đất vàng hoe chắc đã trải qua nhiều thời gian lắm nhỉ?

Phó Bảng đã hút hồn tôi bằng cái gì đó chẳng nói ra được nhưng ai nấy cũng thấy nao nao lòng khi đến đây".

Những cụ già ngồi nheo mắt nhìn đám khách láo nháo chúng tôi chụp hình trên phố. Những đứa trẻ nô đùa bên mái ấm rêu phong của chúng thật vô tư. Những cô gái dân tộc vai gùi nặng hối hả về nhà sau giờ lên nương rẫy... Đâu đó vang lên tiếng máy may đạp lạch cạch trong những ngôi nhà phên vách đất. Loáng thoáng tiếng chó sủa, tiếng trâu bò... Tất cả tạo nên một bản nhạc chiều trong một khung cảnh nhẹ nhàng, thật nhẹ nhàng của một buổi chiều Đông Bắc.

Không ở lại qua đêm tại Phó Bảng kể cũng hơi tiếc. Nơi đây không có nhà nghỉ cho du khách & cũng chẳng có một dịch vụ du lịch nào- Bổ sung của daisudulich.vn là ở đây có một nhà nghỉ mang tên Hoa Hồng ở ngay gần chợ Phó Bảng nhưng nhìn như cái dãy nhà tập thể cấp 4 và cũng hầu như rất ít ai ngủ lại ở đây làm gì, cứ về Đồng Văn mà ngủ- Khách phương xa đến đây chỉ là tò mò rồi họ truyền miệng nhau nghe...

Tưởng như lạc lõng xa xăm, nhưng điều cũng khá ngạc nhiên là ở Phó Bảng hiện nay đang trồng rất nhiều hoa hồng để đem về tận TP Hà Giang bán. Đặc thù khí hậu ở đây đã cho ra những bông hồng tuyệt đẹp. Hoa hồng Phó Bảng không to nhưng màu lại thắm. Cũng chính vì vậy mà không ít người đã ngỡ ngàng khi đang đi trên con đường dốc núi uốn lượn đến lạnh người dẫn vào thị trấn, rồi bất chợt con dốc đổ ào vào một vùng thung lũng với sắc hoa hồng rực rỡ, đẹp như tranh.

Rời Phó Bảng, chúng tôi tiếp tục với hành trình khám phá cao nguyên đá Đồng Văn, chinh phục những ngọn đèo, đoạn dốc cheo leo. Ai nấy trong nhóm chúng tôi đều muốn có dịp sẽ quay trở lại Phó Bảng lần nữa... Nếu có lần thứ hai thì chúng tôi nhất định sẽ ở lại đây qua đêm để thưởng thức vẻ đẹp ban mai trong một buổi sáng tinh sương giữa núi rừng Phó Bảng”.

Đường vào Phó Bảng có đặc điểm là quanh năm suốt tháng mù trong sương. Ở dưới chân những dãy núi đá tai mèo cao chất ngất, là những ngôi nhà bằng đất san sát nhau như trong chuyện cổ tích nằm yên ả và thanh bình ở dưới thung lũng Sủng Là.

Chúng tôi lang thang khắp thị trấn và đếm được gần 100 nóc nhà chạy dọc theo con đường nhựa. Hầu như trước cửa nhà nào cũng có dán đôi câu đối viết bằng chữ Hán đã ngả màu xưa cũ. Hai bên đường chỉ lơ thơ mấy hàng quán, thỉnh thoảng mới bắt gặp vài phụ nữ ngồi trước hiên nhà nhặt rau, chẻ củi hay lúi húi may vá, thêu thùa.

Tôi cảm giác như cuộc sống ở đây tưởng như cứ chầm chậm, đều đều. Và nó chỉ thực sự sống động lên vào những khi nào có phiên chợ. Đây là ngày cả thị trấn đông vui nhất. Theo Internet.

Chợ lùi Phố Bảng


Khi đi Hà Giang, chắc hẳn các bạn sẽ nghe cái tên “chợ lùi”. Đó không phải là tên của một cái chợ mà là tên gọi chung cho các phiên chợ trên địa bàn huyện Đồng Văn được họp theo phiên và cứ 6 ngày thì lại có chợ. Giả sử trong tuần này họp vào thứ 7 thì sang tuần sau sẽ là thứ 6, rồi lại thứ 5 nên gọi là phiên chợ lùi.

Hiện nay, chợ lùi Phố Bảng đã được đầu tư xây mới nên cũng hiện đại lắm rồi. Nó nằm ở ngay trung tâm xã. Đi thẳng từ ngoài ngã ba Sủng Là vào khoảng 5km là đâm vào chợ. Từ đây có ngã ba, một đi cửa khẩu Phó Bảng, một đi Phố Là (nằm sâu hơn và có nhiều hoa tam giác mạch). Từ nửa đêm bà con ở những nơi xa đã bắt đầu về chợ. Món quà độc đáo có bán ở đây chính là xôi ngũ sắc, do những người phụ nữ Mông làm ra.

Bổ sung thêm:

> Ở Phố Bảng là nơi có rất nhiều hoa đào và mận. Các bạn đọc mục về Hoa đào Hà Giang để tìm hiểu thêm. Ngoài ra, còn có cả hoa lê Phố Bảng nữa. Và cũng như nhiều nơi khác, ở đây cũng có cả hoa tam giác mạch, nhưng không nhiều bằng Phố Là. Nói chung, chịu khó lang thang thì cũng sẽ tìm được nhiều chỗ đẹp.

> Đường ra cửa khẩu Phó Bảng khá đẹp, toàn là núi đá hoang sơ. 


Chia sẻ của bạn là gì? Bạn có đồng ý với hỏi – đáp này? Nếu bạn có thêm thông tin, hiểu biết- đừng ngại để lại vài dòng cảm nhận hoặc chia sẻ của bạn tại phần comment để mọi người cùng đọc

Nếu bạn muốn nêu câu hỏi, vui lòng gửi email cho wikiHoidap theo địa chỉ: wikihoidap@gmail.com | Câu hỏi của bạn sẽ được hồi âm sớm nhất

6 nhận xét:

  1. Mình là người con Phó Bảng, mình rất vui vì đã đọc bài viết này của bạn, không thấy nút like đâu!! :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. bạn ơi, cho mình hỏi mình thấy đường đi từ Phó Cáo lên Phó Bảng có thể đi đường trong (hướng đi Sàng Pá), nhưng sao ko thấy nhắc tới cung đường này hết, ko biết là đường này có đi được ko, mình dò trên google map thì thấy đường này nhưng dò Vietbando lại ko thấy, bạn cho mình thêm thông tin về cung đường này với nhé. Cám ơn bạn nhe, mail của mình là quynhduong1988@gmail.com

      Xóa
  2. Chào Vương Hùng. Rất vui khi được bạn quan tâm. Mình đã viết rất nhiều bài về Phó Bảng của bạn. Đồng thời cũng đã viết 2 bài báo về vựa hoa hồng của bà Lý Thị Sủi. Mình đã đến Phó Bảng của bạn 3 lần.

    Trả lờiXóa
  3. Mới công tác Phó Bảng một tháng, cảm nhận chung là buồn hiu hắt, nhưng khí hậu thì thật sự thích. Mới đầu lên không biết vì Hà Nội gần 40'C nhưng lên trên này thì ko khác gì chớm đông dưới Hà Nội, cái lạnh se se. Hai bên đường rất nhiều đào. trồng nhiều, vào xin một vài quả cũng thoải mái. ở trên đó có lợn tên lửa, cứ dịp chợ lùi là lại có. thịt ngon đừng hỏi. có dịp đi du lịch chứ không phải công tác thì sẽ cảm nhận dc nhiều hơn

    Trả lờiXóa
  4. Cảm ơn Sang Nguyen

    Nếu ở lại thì vùng đất xa lạ nào cũng có thể gây cảm giác buồn và nhớ nhà bạn nhỉ? Với lại nơi này còn nghèo khó và xa xôi, không có đủ tiện nghi như dưới xuôi nữa. Nhiều lần rong ruổi trên đường miền rừng, bạn bè mình cũng thường bảo nhau rằng cảnh đẹp quá, nhưng nếu phải ở lại chắc không sống nổi quá 1 tháng. Cảm ơn bạn đã quan tâm tới bài viết của Văn Nguyễn nhé.

    Trả lờiXóa
  5. thi tran Pho Bang! la noi tuoi tho minh gan lien vs no,thi tran la 1 cua khau tieu ngach thuoc tinh Ha Giang.thank ban da co 1 bai viet ve thi tran\

    Trả lờiXóa